Bài 1: Chuyển đổi phương thức quản lý là yêu cầu cấp thiết
PV: Thưa ông, trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 có đặt mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. Vậy theo ông, cách tiếp cận hiện nay trong vấn đề quản lý Nhà nước về biển, đảo có đáp ứng được việc thực hiện mục tiêu này?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Để thực hiện mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển, có thể nói, công tác quản lý Nhà nước về biển mà nước ngoài thường gọi là "quản trị, cai trị đại dương" phải là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng.
Đến thời điểm 2007, nước ta vẫn còn có 15 bộ, ngành có nhiệm vụ khác nhau nhưng đều liên quan đến quản lý Nhà nước về biển cùng với 28 địa phương theo phân cấp nhưng chưa có một cơ quan Nhà nước nào đủ mạnh để có thể giúp Chính phủ quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển, đảo. Chính vì thế, năm 2008, trên cơ sở thực hiện kế hoạch chiến lược hành động năm 2007, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Đây chính là thiết chế đầu tiên với hy vọng giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tổng hợp đối với biển, đảo. Cùng với đó, đã có hàng loạt hoạt động để xây dựng các thể chế chính sách. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, chức năng đó chúng ta chưa thể chế hóa được hoàn toàn nên chưa thực thi chức năng được giao theo đúng nghĩa của nó và đặc biệt, chưa hình thành được cơ chế phối hợp liên ngành. Một số vụ việc, chẳng hạn sự cố ở biển vừa rồi (Fomosa gây ô nhiễm môi trường trên vùng biển miền Trung) cho thấy sự phối hợp liên ngành còn có không ít vấn đề.
Hiện tại, các thiết chế về quản lý kinh tế biển là cũng theo ngành chứ không có một nền kinh tế biển hiểu theo nghĩa chung và theo đúng tinh thần của Chiến lược biển quốc gia. Thời gian qua, Chính phủ ta đã ban hành bổ sung Chiến lược (năm 2012) và Kế hoạch hành động quốc gia (năm 2014) về tăng trưởng xanh, trong đó có mảng xanh lam tức là biển. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở chủ trương và mong muốn, kỳ vọng, việc triển khai biến Chiến lược biển và các chiến lược nói trên thành hành động cụ thể cần phải có những bước đi quyết liệt hơn nữa.
PV: Quyết liệt hơn tức là như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thực ra Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cũng như chiến lược tăng trưởng xanh, kể cả bây giờ, chúng ta đã có kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia 2014 nhưng nó vẫn mang tính là chính sách khung. Ở cấp độ toàn quốc, gần đây, chúng ta đưa ra thông điệp "Biển Đông xanh" được hiểu là: Biển Đông lành mạnh, tức là chất lượng môi trường tốt; là Biển Đông thịnh vượng, tức là kinh tế phải giàu có và bền vững; là một Biển Đông hòa bình. Từ "xanh" của Biển Đông nó chứa đựng 3 nội hàm đó và cũng là một thông điệp quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam có quyền và lợi ích cốt lõi ở Biển Đông, nên sắp tới, tất cả các kế hoạch hành động cụ thể của tất cả các bộ, ngành địa phương ven biển và từng cá nhân liên quan đến biển mà thực hiện được, tập trung vào cụ thể hóa được 3 thông điệp xanh trên thì chúng ta sẽ thành công.
PV: Theo ông, công tác quản lý Nhà nước về biển, đảo của nước ta hiện nay còn những hạn chế gì?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Tôi cho rằng, chúng ta chưa thể chế hóa được cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý Nhà nước về biển theo đúng nghĩa của nó. Gần đây, một số luật, ngoài Luật Biển Việt Nam (năm 2012) đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về biển, thì đến Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo (năm 2015) gần như lại xem các vấn đề quản lý về tài nguyên và môi trường biển là một lĩnh vực chuyên ngành mới (như ngành Thủy sản, Dầu khí, Hàng hải,...) nên vai trò quản lý tổng hợp Nhà nước về biển đảo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tự nó lại mờ đi. Trong khi về bản chất, quản lý Nhà nước thống nhất và tổng hợp về biển, đảo không thay thế quản lý của từng ngành mà nó chỉ đóng vai trò kết nối, điều chỉnh hành vi của ngành, của cá nhân và tập thể khi khai thác các vùng/ không gian biển đảo.
PV: Trên thế giới, việc quản lý Nhà nước đối với biển, đảo được thực hiện như thế nào và Việt Nam có thể học tập những kinh nghiệm gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Muốn quản lý Nhà nước về biển, đảo hiệu quả, đầu tiên người ta phải khẳng định về mặt nhận thức là biển và tài nguyên biển cũng như các vấn đề môi trường nảy sinh với nó phải là vấn đề của quốc gia và là vấn đề "đại sự". Ông cha ta quan niệm "điền tư, ngư chung", nghĩa là trên đất liền một mét vuông đất phải có chủ, còn ở dưới biển là chung. Chữ "chung" ở đây không phải là ai muốn làm gì thì làm mà chữ "chung" ở đây hàm ý vai trò của Nhà nước, bởi nó đụng đến các yếu tố pháp luật quốc tế.
Thứ hai, các nước trên thế giới yêu cầu quản lý biển phải thống nhất và liên ngành. Thứ ba, là phải quản lý biển dựa vào không gian. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã chia bề mặt và đáy biển/đại dương ra thành 7 vùng biển theo không gian và quy định các chế độ pháp lý riêng biệt và tương thích. Thứ tư, phải kiểm soát tốt những tác động có nguồn gốc từ đất liền. Thực tế, cho đến nay, trên thế giới (bao gồm Việt Nam) có từ 40 đến 70% các tác động tới biển là từ đất liền, đặc biệt là từ vùng ven biển và từ lưu vực sông.
Đối với Việt Nam, dựa trên chức năng của các vùng biển pháp lý quy định theo UNCLOS và cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái chúng ta cần phân chia chi tiết ra các phân khu không gian sử dụng từng vùng biển pháp lý nói trên. Đồng thời đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn cụ thể mang tính pháp lý khi khai thác, sử dụng các đơn vị biển được phân chia. Bên cạnh đó, biển chứa đựng yếu tố quốc tế bởi môi trường cũng như tài nguyên biển có tính xuyên biên giới. Vì vậy, việc hợp tác quốc tế để tạo nguồn lực cho chúng ta hội nhập với cộng đồng đại dương thế giới là một tất yếu.
Cuối cùng, để quản lý Nhà nước đối với biển, đảo tốt, với nguồn nhân lực hiện nay mà không đào tạo lại nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn thì dù có thay đổi hình thức như thế nào thì trên thực tiễn, sau một thời gian, chúng ta sẽ lại ngồi với nhau nói là vẫn không thấy có những thay đổi trên thực tế.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo bienphong.com.vn)