image banner
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 5/2021
Lượt xem: 1354

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 05/2021
----------

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.

Chờ cho kháng chiến thành công đã,

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”

 

Nhân dịp chuẩn bị sinh nhật lần thứ 59 của Bác, ngày 19 tháng 5 năm 1949 nhiều ý kiến đề nghị tổ chức Lễ mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác tỏ ý không bằng lòng và Người đã tự làm thơ mừng thọ mình, cũng là câu trả lời các ý kiến về việc ý định tổ chức mừng thọ cho Bác. Bài thơ là hiện thân của sự giản dị, khiêm tốn rất mực ở Người, toát lên một tinh thần lạc quan cách mạng, có niềm tin sâu sắc vào thắng lợi của cách mạng, coi đó là điều kiện tiên quyết trong các tiệc mừng, cho ngày sinh nhật,… Với Bác, kháng chiến chưa thành công, đồng bào còn nghèo khổ, thì không thể vui cho riêng mình và Bác cũng mong mọi cán bộ, đảng viên như vậy.

Hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đời sống vật chất, tinh thần của xã hội được nâng cao; nhưng triết lý sống phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên, lên trước, phải biết lo cho nhân dân, cho địa phương, đơn vị trước khi lo cho cá nhân, phải sống mình vì mọi người luôn khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm,… của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với mọi người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng với niềm tin yêu và trọng trách mà nhân dân giao phó.

Học tập và làm theo phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị và tinh thần “dĩ công vi thượng” của Bác, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, gương mẫu, đi đầu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; đề cao tự phê bình và phê bình; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bệnh thờ ơ, vô cảm, sùng bái cá nhân; ra sức xây dựng cơ quan, đơn vị chính qui, xanh, sạch, đẹp, có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

Trích trong Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H. 2016, t.6, tr. 72

 

SỔ TAY NGHIỆP VỤ

 

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn tháng 05 năm 2021, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh Phương pháp tổ chức sinh hoạt chi đoàn (tiếp theo):

5- Các nội dung sinh hoạt chi đoàn

a- Sinh hoạt chi Đoàn theo chủ đề giáo dục (chuyên đề):tọa đàm, thảo luận,…

Yêu cầu: nội dung phải gắn với nhu cầu chính đáng của đoàn viên, những vấn đề thời sự nóng bỏng, thật sự gần gũi, phù hợp với trình độ của đoàn viên và phải được thường xuyên thay đổi để tránh sự nhàm chán.

b- Sinh hoạt chi Đoàn để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác

Có thể xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của chi đoàn theo từng quý (3 tháng một lần). Chương trình, kế hoạch công tác của Đoàn cần gắn với công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị để vừa có thể thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa có thể làm tốt công tác chuyên môn.

* Các yêu cầu đó là:

- Phải nắm được tình hình thời sự, chính trị trong quý, biết đề ra nhiệm vụ trọng tâm của mỗi tháng và hàng tháng sẽ sinh hoạt theo nội dung, hình thức nào.

- Phải dự báo được nhiệm vụ cơ bản của mỗi quý trên cơ sở đó đề ra chương trình, kế hoạch hoạt động cho thích hợp.

- Phải đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng, quý, phân tích rõ những thành công và hạn chế, kịp thời rút kinh nghiệm cho quý sau.

* Phương pháp xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của chi đoàn:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động là việc xác định các chỉ tiêu, nội dung hoạt động, phương tiện, phương pháp và lộ trình để đạt được mục đích đã đề ra.

- Căn cứ để xây dựng chương trình, kế hoạch: đó là Nghị quyết của cấp uỷ và kế hoạch, chủ trương của đoàn cấp trên; tình hình thực tế và yêu cầu của địa phương, đơn vị; khả năng của chi đoàn.

- Yêu cầu chương trình, kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính khả thi.

- Các loại kế hoạch, chương trình: gồm có hàng tháng, quý, sáu tháng, năm, kế hoạch, chương trình theo chủ đề, chủ điểm.

- Nội dung chương trình, kế hoạch:

+ Nêu đặc điểm tình hình (chỉ có trong KH, CT hàng quý, năm).

+ Mục đích, yêu cầu.

+ Nội dung và các chỉ tiêu.

+ Các điều kiện cần thiết (kinh phí, phương tiện, con người…).

+ Các giải pháp để thực hiện.

+ Phân công cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện.

+ Xác định rõ lộ trình hoàn thành (thời gian cụ thể để tiến hành và hoàn thành công việc).

c- Sinh hoạt chi Đoàn để nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đoàn và tham gia xây dựng Đảng:

Mỗi đoàn viên phải có trách nhiệm góp ý xây dựng cho BCH chi đoàn; giới thiệu, bồi dưỡng thanh niên ưu tú để kết nạp đoàn; bình bầu phân loại đoàn viên 6 tháng, 1 năm.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên tích cực tham gia xây dựng Đảng, xung kích thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Đảng. Các chi đoàn phải coi trách nhiệm xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cơ bản của đoàn, coi xây dựng đoàn là một khâu quan trọng góp phần xây dựng Đảng. Đoàn tham gia xây dựng Đảng thông qua việc tuyên truyền, giáo dục đoàn viên nhận thức về Đảng, xây dựng động cơ cho đoàn viên phấn đấu sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng; tham gia góp ý kiến cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự lãnh đạo của Đảng; tham mưu kịp thời cho tổ chức Đảng về công tác thanh niên; góp ý cho nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

6- Các hình thức sinh hoạt chi đoàn

Hình thức sinh hoạt chi đoàn phải luôn được cải tiến và thường xuyên thay đổi để phù hợp với tâm lý đoàn viên. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi mỗi chi đoàn phải tích cực chủ động và sáng tạo để tìm ra những hình thức sinh hoạt thích hợp nhất.

Các hình thức sinh hoạt như:

 

a- Sinh hoạt chi đoàn tại phòng họp

Hình thức sinh hoạt này thích hợp với nội dung sinh hoạt theo chuyên đề giáo dục vì cần sự yên tĩnh, có trang trí hài hoà để tạo ấn tượng. Cần sắp xếp vị trí ngồi trong một không gian thích hợp, cách tốt nhất là ngồi theo hình chữ U hoặc nữa hình tròn.

b- Sinh hoạt chi đoàn tại nơi di tích, danh lam thắng cảnh theo hình thức tham quan, dã ngoại(trường hợp này có thể gắn với một số hoạt động của chi đoàn để mở rộng đối tượng, song cần bố trí thời gian để đoàn viên sinh hoạt riêng)

Nội dung: tổ chức những trò chơi dân gian thích hợp với địa hình, cảnh quan; phát động đoàn viên thanh niên thi viết ngắn về những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; trao đổi, hỏi đáp về các di tích lịch sử, cảm nhận sau khi tham quan.

c- Sinh hoạt chi đoàn tại nhà đoàn viên

Chọn nhà đoàn viên có đủ điều kiện để tổ chức sinh hoạt và có thể quay vòng theo định kỳ. Phát động đoàn viên đóng góp cơ sở vật chất như: sách, báo, truyện, tăng âm, loa đài phục vụ cho sinh hoạt của chi đoàn.

d- Sinh hoạt chi đoàn theo hình thức hội thảo, hái hoa dân chủ, toạ đàm

Hình thức này thích hợp trong các buổi sinh hoạt giao lưu giữa các chi đoàn với nhau. cần phổ biến trước cho đoàn viên biết chủ đề hoặc câu hỏi cho đoàn viên chuẩn bị.

e- Sinh hoạt chi đoàn vào các ngày lễ kỷ niệm, ngày sinh nhật của đoàn viên

Cần gắn nội dung sinh hoạt với các nội dung của ngày lễ, ngày kỷ niệm để có chủ đề, chủ điểm. Nếu tổ chức vào ngày sinh nhật của đoàn viên nên có quà tặng của Ban chấp hành chi đoàn cho đoàn viên.

 

THEO DÒNG LỊCH SỬ

 

HỎI - ĐÁP VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026

 

Câu 1: Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…”, như vậy, Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng cách thức nào?

Điều 6 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

1. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, cụ thể:

- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ được quy định trong Hiến pháp: quyền bầu cử, bãi nhiệm; quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước của công dân; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền tham gia xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền giám sát đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước.

- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam) và tổ chức xã hội khác do Nhân dân lập ra khi các tổ chức này thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân; quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh; phối hợp với Chính phủ, chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan; tham dự phiên họp của Chính phủ, các kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Ủy ban nhân dân khi bàn các vấn đề có liên quan.

2. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân; thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; thông qua các cơ quan Nhà nước, các thiết chế Hiến định (Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước); thông qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác được giao thực thi quyền lực nhà nước.

 

Câu 2: Quốc hội Việt Nam được ra đời từ khi nào? Đến nay đã có bao nhiêu nhiệm kỳ Quốc hội?

1. Lịch sử ra đời Quốc hội Việt Nam

- Tiền thân của Quốc hội Việt Nam là “Ðại hội đại biểu quốc dân” (được triệu tập tại Tân Trào, Tuyên Quang vào ngày 16/8/1945). Ðại hội đã thay mặt toàn dân nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới.

- Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ngày 06/01/1946 cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong cả nước được tiến hành. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến,... đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình. Đây là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và cũng là sự kiện trọng đại, mở đầu thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đầu tiên của Nhiệm kỳ Quốc hội khoá I vào ngày 2 tháng 3 năm 1946.

2. Nhiệm kỳ Quốc hội

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.

Từ năm 1946 đến năm 2021, Quốc hội đã trải qua 14 nhiệm kỳ.

Câu 3:Tại sao nói Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:

- Quốc hội là cơ quan nhà nước do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp Nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho trí tuệ của Nhân dân cả nước.

- Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của Nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do Nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của Nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thành Hiến pháp, luật. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước

Thông tin mới nhất
VIDEO
  • TRAILER ĐẠI HỘI CHÁU NGOAN BÁC HỒ 2024
  • Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp: Đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức
  • Phim tài liệu: Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai - Dấu ấn một nhiệm kì
  • Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp: Phát huy truyền thống, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0