Trong "Thư gửi các bạn thanh niên", Bác viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị tương lai đó". Đến thăm đơn vị thanh niên xung phong làm đường trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã khuyên thanh niên: "Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên". Điều đó khẳng định vai trò của thanh niên là vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực.
Múa khèn Mông
Nhận thấy vai trò của Thanh niên đối với lĩnh vực văn hóa là vô cùng quan trọng. Thanh niên là người trực tiếp lựa chọn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại (cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần). Hà Giang nơi sinh sống của 19 dân tộc với 19 bản sắc văn hóa riêng nhưng nằm trong một khối thống nhất nền văn hóa Việt Nam. Trong các huyện vùng cao Hà Giang, huyện Đồng Văn được biết đến là mảnh đất cư ngụ của 17 dân tộc sinh sống. Với đời sống văn hóa đa dạng và các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và lưu giữ cho tới ngày nay. Thanh niên Đồng Văn cùng với thanh niên cả tỉnh đang ra sức bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Anh Hoàng Minh Đức - Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Đồng Văn khẳng định:
"Di sản văn hóa dân tộc không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển KT-XH của đất nước, của địa phương. Bởi vậy, tuổi trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc để ứng xử với nó bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê..."
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sự giao thoa về văn hóa bên cạnh góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là sự du nhập của những dạng thức văn hóa không phù hợp với truyền thống dân tộc, mà đối tượng dễ ảnh hưởng nhất là giới trẻ. Câu hỏi đặt ra là liệu giới trẻ ngày nay có nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hay có xu hướng vọng ngoại, ngày càng xa rời những giá trị truyền thống quý báu? Thực tế cho thấy, giới trẻ vẫn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với các hoạt động tiêu biểu của thanh niên Đồng Văn, với sức trẻ và cống hiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như phong trào xung kích đi đầu trong các phong trào tình nguyện xây dựng Nông thôn mới, tình nguyện vì an sinh xã hội.... tuổi trẻ cả huyện còn ra sức bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc trong xu thế hội nhập. Những năm gần đây, khắp các địa phương trên địa bàn Hà Giang nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng đang tổ chức thực hiện rất nhiều các hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc như khôi phục lại các phong tục, các làn điệu dân ca của các dân tộc, các làng nghề truyền thống,... thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Đẩy mạnh tuyên truyền cho ĐVTN dân tộc thiểu số bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa còn phải đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp; phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Hội Nhảy lửa
Hiện nay các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc không chỉ phổ biến trong đời sống nhân dân mà còn có sức lan tỏa trong các trường học, các cơ quan, đơn vị. Có rất nhiều hoạt động của ĐVTN như hành hương về địa chỉ đỏ xuất hiện ngày càng nhiều, thanh niên tham gia ngày càng đông vào các Lễ hội của các dân tộc như Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, Lế hội Cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao... Điều đó thể hiện việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đã được trú trọng và quan tâm.
Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, nhiều người trẻ đôi khi quên đi trách nhiệm của mình và chỉ khi đặt trong môi trường khác biệt, họ mới nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ tầng lớp thanh niên có lối sống lệch lạc, thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật; có lối sống thực dụng, đua đòi, lãng phí, cá biệt, một số thanh niên sa vào tệ nạn xã hội, phạm pháp. Các phương tiện thông tin, báo chí, truyền hình, internet thời gian qua đã phản ánh nhiều hình ảnh phản cảm về cách cư xử, ăn mặc lố lăng của thanh niên hay việc các bạn trẻ truy cập các trang web độc hại, đua xe, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng. Hiện vẫn có nhiều bạn trẻ có cái nhìn xa lạ với văn hóa dân tộc. Họ đang thiếu định hướng của người lớn trong khi lại dễ bị ngả theo tâm lý đám đông mà không biết cái đó có hại như thế nào.
Trước tình hình đó, Tổ chức Đoàn, Hội đã và đang tìm những địa chỉ văn hóa tin cậy, chính thống để hướng giới trẻ tìm đến. Đặc biệt là việc thường xuyên truyền đạt liên tục bằng những hình thức sinh động, vui nhộn và thiết thực về bản sắc văn hóa dân tộc để các bạn hiểu, từ hiểu mới đến yêu và giữ gìn, phát huy.
Để phát huy vai trò của thanh niên với việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trên cương vị là thủ lĩnh thanh niên huyện Đồng Văn, anh Hoàng Minh Đức chỉ ra một số giải pháp như:
Thứ nhất, bản thân thanh niên phải có nhận thức sâu sắc, đúng đắn về vai trò của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn vậy, cần phải có lối sống trong sạch, lành mạnh, sống có lý tưởng, luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội.
Thứ hai, Tiếp thu văn hóa 1 cách có chọn lọc. Mỗi thanh niên phải nhận thức đầy đủ về một bối cảnh quốc tế mới sẽ còn nhiều biến động. Đó là quá trình phát triển nhanh, mạnh và toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực như thông tin, khoa học và công nghệ, thương mại,… Nó tạo ra khả năng trao đổi trí thức, thông tin cực nhanh về thời gian, cực rộng về địa bàn và phong phú về nội dung.
Thư ba, Đẩy mạnh công tác sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, giới thiệu văn hoá dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi duỡng về dân ca, dân vũ truyền thống... phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt đưa vào trong các trường học những nội dung, hoạt động để khơi dậy bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương, xây dựng cho các em ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị đó một cách trân trọng và niềm đam mê truyền thống.
Thứ tư, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ĐVTN, người dân về văn hóa, các giá trị văn hóa, bảo tồn, phát triển văn hóa; đấu tranh chống lại những hủ tục văn hóa lạc hậu không còn phù hợp. Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa./.
Nông Bích Diệp