image banner
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 1/2019
Lượt xem: 1874

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

MẪU CHUYỆN: CHỦ TỊCH NƯỚC CŨNG KHÔNG CÓ ĐẶC QUYỀN

Đầu năm 1946, cả nước ta tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội - là nơi Bác Hồ ra ứng cử - có 118 Chủ tịch ủy ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã đã công bố một bản đề nghị: "Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".

Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí cử Bác vào Quốc hội.

Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: "Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới".

Sau ngày hoà bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ, vị sư chủ trì ra đón và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa. Bác không đồng ý và lặng lẽ làm đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông, xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại:

- Các chú không được làm thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình.

Nguồn: hochiminh.vn

CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang

Chương I HÀ GIANG – ĐẤT ĐAI, CON NGƯỜI, XÃ HỘI VÀ TRUYỀN THỐNG

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ CON NGƯỜI Ở HÀ GIANG

Hà Giang là tỉnh miền núi nằm cực bắc Việt Nam, với diện tích 7.831,2km2, phía bắc và tây bắc giáp Trung Quốc, phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, phía tây giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Hà Giang có địa hình rất phức tạp và hiểm trở, phía tây bắc một phần nằm trên cao nguyên Bắc Hà, độ cao trung bình từ 1.200 đến 1.600 mét, có nhiều núi đồ sộ, mà cao nhất là đỉnh Tây Côn Lĩnh (2.431 mét); phía bắc của tỉnh là cao nguyên Đồng Văn, độ cao trung bình là 1.600 mét, có đỉnh Puthaca cao 2.275 mét; phía đông một phần nằm trên vòng cung sông Gâm, chạy dài trên l00 km từ bắc đến nam, nối liền với tỉnh Tuyên Quang. Nhìn chung địa hình phía bắc của tỉnh phần lớn là những dãy núi đá hùng vĩ, nối nhau trùng điệp, xen lẫn với núi là những thung lũng và những dải đất hẹp. Do vậy nên hệ thống đường giao thông đi lại rất khó khăn. Ngoài Quốc lộ số 2 Hà Nội - Hà Giang, phần lớn đường đi lại trong tỉnh và ra ngoài tỉnh là đường mòn, hẹp và dốc. Khí hậu vùng này rất khắc nghiệt, số ngày không mưa và giá lạnh chiếm phần lớn thời gian trong năm. Thấp dần về phía nam của tỉnh là đi, núi đất và rừng cây nhiệt đi cùng những ruộng đồng, soi bãi chạy dọc bờ sông, suối. Ớ Hà Giang, ngoài sông chính là sông Lô chảy từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Hà Giang xuống Tuyên Quang, còn có sông Chảy, sông Gâm, sông Miện, sông Nho Quế cùng với nhiều sui to, nhỏ nằm xen giữa núi rừng. Hệ thng sông ngòi này chảy trên một địa hình phức tạp nên thường có nhiều thác ghềnh và thường xuyên gây lũ lụt, nhưng đó cũng chính là nguồn nước dồi dào cung cấp cho sản xuất và phục vụ đời sống

Địa hình và khí hậu Hà Giang phần lớn thuận lợi cho trồng trọt, đặc biệt là trồng cây công nghiệp, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc. Từ lâu, nhng mặt hàng như chè búp khô, hạt giống su hào, mật ong, dược liệu quý như đỗ trọng, xuyên khung, tam thất, ấu tẩu... đã sm được nhiều nơi biết đến và ưa chuộng. Rừng Hà Giang có nhiều lâm sản quý như các loại gỗ: Đinh, trai, nghiến, lát và những loài thú quý: Hổ, báo, gấu; những loài bò sát quý: Trăn, rắn, tắc kè, cùng nhiều loại cây thuốc quý.

Điều kiện tự nhiên phong phú ở Hà Giang đã bao đời nay gắn bó với con người trong quá trình sản xuất, xây dựng cuộc sông và chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Trên đất Hà Giang, người ta đã thấy dấu vết sinh sống của người nguyên thủy, như việc tìm thấy các công cụ bằng đá, một số hang động được xác định là nơi cư trú của người xưa, phát hiện ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê, Hoàng Su Phì... nhiều trống đồng có kỹ thuật đúc điêu luyện với những nét hoa văn của thời kỳ trống đồng Đông Sơn.

Xưa kia, Hà Giang nằm trong địa phận của nước Văn Lang với tên gọi là Bộ Vũ Định. Qua các đời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… Hà Giang và Tuyên Quang hình thành và phát triển thành một đơn vị hành chính với những tên gọi khác nhau: Châu Tuyên Quang, thừa Tuyên Quang, trấn Minh Quang, đến đời nhà Nguyễn được gọi là tỉnh Tuyên Quang.

Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chia Tuyên Quang thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Năm 1976, hai tỉnh được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Đến tháng 10 năm 1991, lại được tách thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Trước đây, thời kỳ từ năm 1926 đến đầu năm 1960, châu Bảo Lạc (Cao Bằng) cũng thuộc Hà Giang. Hà Giang có bốn châu (tương đương với huyện) là: Vị Xuyên, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì và thị xã Hà Giang. Ngày nay, Hà Giang có 10 huyện, thành phố là: Thành phố Hà Giang và các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, với 19 dân tộc anh em sống tập trung và xen kẽ từ vùng cao đến vùng thấp. Trước Cách mạng Tháng Tám, Hà Giang có khoảng 10 vạn dân, ngày nay, dân sô đã có hơn 54 vạn dân (tính đến năm 2019), đông nhất là dân tộc Mông, rồi đến Tày, Nùng, Dao, Kinh, Hoa và một số dân tộc có số dân ít như La Chí, Phù Lá, Lô Lô, Cơ Lao, Pà Thẻn, Y...

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tại nơi đây, đồng bào các dân tộc đã biến những đồi, gò bãi hoang vu, rậm rạp thành những đồng ruộng quanh năm trồng trọt và những đồng cỏ chăn nuôi, những ruộng nương bậc thang lượn quanh các triền núi hay nằm xen kẽ với núi đá. Đây là một thực tế chứng minh cho đức tính cần cù, dũng cảm của người Việt Nam ở vùng rừng núi Hà Giang.

Bên cạnh chăn nuôi, trồng trọt, đồng bào các dân tộc ở Hà Giang còn sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau như khai thác và chế biến lâm sản, nông sản, dược liệu; thêu dệt các mặt hàng từ bông, lanh và làm các đồ dùng bằng song, mây, tre, gỗ, nứa... Qua các ngành nghề đó, việc giao lưu hàng, hóa đã làm cho kinh tế thêm mở mang. Nền văn hóa dân tộc cũng được duy trì và phát triển. Những đường nét hoa văn trên vải, trên hàng mây, tre đan đã phản ánh rõ nét bản sắc văn hỏa dân tộc phong phú của mỗi vùng.

TRUYỀN THỐNG

06-01-1946: TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN

NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, lần đầu tiên mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tín ngưỡng được hưởng quyền bầu cử và ứng cử theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bình đẳng, bỏ phiếu kín. Tình hình trong nước lúc ấy rất phức tạp, nhưng 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Mặt trận Việt Minh đã giành thắng lợi với 230 ghế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các nước Châu Á có một Quốc hội dân chủ tiến bộ.

09-01-1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM

Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950 phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chúng “ độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ… đã diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc. Tại Saì Gòn, các tầng lớp đồng bào cũng tích cực hưởng ứng dưới nhiều hình thức : biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, đòi công ăn việc làm. Học sinh, sinh viên bãi trường, bãi khóa liên miên.

Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh Niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh , sinh viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học,… cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt – trong đó có Ban lãnh đaọ học sinh cứu quốc Saì Gòn. Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn đưa yêu sách. Bọn cảnh sát và lính lê dương ra đàn áp dã man đoàn biểu tình. Thái độ đó đã làm đám đông phẫn nộ, bùng nổ cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và công an Bình Xuyên. Trần Văn Ơn, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên đã bị bọn chúng giết hại trong cuộc xung đột đó.

Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950 đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù. Những câu hỏi đó cứ vang mãi trong những tháng năm đen tối của đất nước, thúc giục bao thế hệ trẻ noi gương Trần Văn Ơn, quên mình xông lên phía trước.

 Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2/1950 tại căn cứ địa Việt Bắc đã lấy ngày 09/01 làm ngày truyền thống hàng năm của học sinh, sinh viên Việt Nam. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh, sinh viên kế thừa oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành bất diệt.

Nguồn: lichsuvietnam.vn

ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG

Cơ hội thành công đến từ biết cảm thông cho người khác

Đồng cảm bắt nguồn từ sự cảm thông và đồng điệu về cảm xúc. Theo các nhà nghiên cứu cảm xúc, sự đồng cảm là khả năng cảm nhận được cảm xúc của người khác và trực quan biết được người khác đang suy nghĩ những gì.

Điều này có nghĩa là đặt mình vào vị trí của người khác, nhận biết và hiểu được cảm xúc của người đó, cả niềm vui hay nỗi buồn. Đây không phải là sự thương hại hay chỉ quan tâm đến những chuyện của người thân mà không để ý đến chuyện của “người dưng”.

Sự thành công của người có thiên hướng “cảm thông” khác biệt so với những người khác đó là vì họ không nghĩ cho riêng bản thân mình, mà là quan tâm đến xã hội và những người xung quanh để làm sao thành công mang lại ý nghĩa thật sự.

1. Quan tâm đến sự thành công của người khác

Thành công không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ và giúp đỡ của người khác, giống như các doanh nghiệp sẽ không thể phát triển nếu không có những nhân viên toàn tâm và đắc lực. Người đồng cảm luôn nghĩ đến những người khác.

Vì vậy, nếu có cơ hội trong cuộc sống họ đều muốn san sẻ, muốn người khác được tham gia và nhận được phần thưởng cùng họ. Thành công đến với họ chỉ một sớm một chiều và nằm trong tầm tay vì có sự đồng thuận đồng lòng, chung tay góp sức của mọi người quanh họ.

2. Có tầm ảnh hưởng trong sự kết nối và giao tiếp

Người đồng cảm biết cách để giao tiếp, truyền đạt thông tin rõ ràng, sử dụng ngôn từ lịch thiệp, nhẹ nhàng và không nói năng bừa bãi. Khi tiếp xúc với một ai đó, họ không những nghe bằng tai, mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt và bằng cả con tim để thấu hiểu và kết nối với người đó. Một khi họ nói, người khác cũng chú ý lắng nghe trở lại bởi những lời chân thành chia sẻ hết mình của họ và giúp họ thực hiện các mục tiêu mà họ vươn tới.

3. Sâu sắc trong mỗi vấn đề

Thay vì dừng lại việc tiếp nhận câu trả lời, người đồng cảm cố gắng thăm dò và tìm hiểu vấn đề một cách sâu sắc hơn. Họ muốn tìm thấy lý do tại sao mọi thứ đang đi sai, đồng thời tìm ra giải pháp mang lại thành công bằng việc phân tích, mổ xẻ mọi khía cạnh cả ưu lẫn khuyết điểm, từ đó vạch ra một chương trình hành động rõ ràng, cụ thể và hợp lý. Ngoài ra họ còn có khả năng đối phó tốt với mọi tình huống bất ngờ và phức tạp. Những đặc điểm này góp phần giúp họ thành công.

4. Ấp ủ tấm lòng yêu thương

Theo các nhà tâm lý học, người đồng cảm có “trái tim lớn” thường xuyên giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác đem lại cho họ lòng nhiệt huyết và tràn đầy niềm hạnh phúc. Hành động giúp người của họ không những tạo năng lượng truyền cảm hứng cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… mà còn làm thay đổi tư tưởng, chuyển biến tâm tính của họ, khiến họ bắt đầu có những suy nghĩ tương tự muốn giúp đỡ người khác.

Đây là một động thái “đánh thức” lòng thương người, hơn nữa còn tạo sự tin tưởng tuyệt đối và toàn tâm toàn ý hỗ trợ hết mình của người khác cho họ trên bước đường đi đến thành công.

5. Tác động đến xã hội từ tấm lòng

Người đồng cảm không biệt giai cấp, tôn giáo hay chủng tộc trong xã hội. Mục đích tiếp cận của họ với con người trong xã hội là cùng nhau xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hướng đến phục vụ một xã hội tốt hơn. Vì sự đồng cảm xuất phát từ trong tâm của họ nên họ có thể điều hòa hoặc ứng phó tốt đẹp đối với những tình huống thay đổi cảm xúc của người khác.

Họ hiểu mình và biết chấp nhận người khác. Đây là một lợi thế của của người đồng cảm nên mọi người xem trọng họ, giúp họ đạt được các mục tiêu.

6. Nhà lãnh đạo tuyệt vời và có trách nhiệm

Theo nghiên cứu, các nhân viên mà có nhà quản lý hoặc lãnh đạo đồng cảm thì sẽ có thêm niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe tốt hơn. Cơ bản là vì họ tạo ra một nền văn hóa “hiểu và cảm thông” ở nơi làm việc. Họ rất nhạy cảm với cảm xúc và sợ gây tổn thương cho một ai đó nên rất thận trọng trong lời nói của mình cũng như về cách đối xử với nhân viên mình. Do đó, họ rất được lòng các nhân viên. Các nhân viên của họ không những làm việc có hiệu quả cao mà còn cống hiến bản thân vì sự nghiệp lâu dài của công ty.

Tất yếu nếu vấn đề sai lầm xảy ra thì cả cấp trên và cấp dưới đều chịu trách nhiệm phần lỗi của mình, nhận lỗi và nói lời “xin lỗi” với nhau. Hầu như các nhân viên dưới sự quản lý của người đồng cảm đều đạt được mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp của mình. Có thể nói đây là môi trường làm việc “quá tuyệt vời”.

Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy học cách cảm thông và chia sẻ với người khác, học cách giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn hay hoạn nạn để họ cảm thấy ấm áp trong tình người. Bạn sẽ thấy cuộc sống đầy lạc quan, có niềm tin vào bản thân và có những suy nghĩ tốt đẹp về mọi người. Sự thành công trong cuộc sống sẽ đơn giản hơn rất nhiều!

Nguồn: Nghethuatsong.com.vn

 

MÔ HÌNH KINH NGHIỆM

 “Spaghetti” của Việt Nam

 

Dự án Phở sắn Caromi - tìm về nguồn cội của Dương Ngọc Ảnh (34 tuổi, ở thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) vừa đoạt giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Với dự án này, Dương Ngọc Ảnh cho biết mong muốn đưa món ăn dân dã của miền quê nghèo xứ Quảng trở thành “spaghetti” (loại mì nổi tiếng thế giới) của Việt Nam.

Trở về để khởi nghiệp

Tốt nghiệp ĐH Khoa học - Tự nhiên TPHCM, Dương Ngọc Ảnh có gần 10 năm làm chuyên gia phần mềm cho một công ty của Đức. Công việc ổn định tại một thành phố lớn năng động, nhiều cơ hội phát triển bản thân, nhưng chàng trai xứ Quảng luôn trăn trở mỗi khi về quê thấy người dân quê mình lam lũ, vất vả. Đặc biệt, nghề làm phở sắn, nghề truyền thống của quê hương trước nguy cơ mai một. Món phở sắn vốn gắn bó với tuổi thơ của Ảnh. Ông nội anh là Dương Đức Mân cũng là một trong những hộ đầu tiên làm phở sắn rồi truyền lại cho thế hệ sau. Món ăn thời nghèo khó nuôi lớn bao thế hệ của vùng quê nghèo.

Tìm hiểu thông tin khoa học, anh nhận thấy món phở sắn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Cây sắn ở Việt Nam được trồng nhiều, thời gian trồng lâu và hút được nhiều chất dinh dưỡng của đất. Củ sắn giàu khoáng, không gây tăng cân, hỗ trợ giảm cholesterol, đường máu… 

Sau thời gian dài ấp ủ, Dương Ngọc Ảnh quyết định khởi nghiệp với món phở sắn, phương châm kinh doanh là “back to the roots”. “Back to the roots”, có ý nghĩa Trở về cội nguồn (root trong tiếng Anh cũng có nghĩa là củ, rễ - PV). Mục tiêu dự án là đưa món phở sắn trở thành “spaghetti” của Việt Nam, là loại mì nổi tiếng mà cả thế giới công nhận. Dự án thành công cũng sẽ giúp vực dậy làng nghề làm phở sắn truyền thống ở Quế Sơn”, Ngọc Ảnh nói về tham vọng của mình.

Đưa món ăn làng quê lên bàn tiệc 5 sao

Tháng 6/2018, Ảnh chính thức bắt tay vào triển khai dự án phở sắn caromi, sản xuất, đóng gói phở sắn mang tên “Cassava Noddle”. Dự án phở sắn caromi được Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng hỗ trợ, đoạt giải Nhì vòng chung kết cuộc thi thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp Pitching Competition.

Để phát triển dự án của mình, Dương Ngọc Ảnh tìm tòi, nghiên cứu, đầu tư máy móc, thiết kế bao bì, cải tiến quy trình sản xuất... thay vì chỉ sản xuất phở từ sắn khô như trước đây thì bây giờ có thể sản xuất được từ sắn tươi. 

Anh Ảnh chia sẻ, cách làm bằng nguyên liệu sắn khô sẽ khó kiểm soát chất lượng đầu vào, nguyên liệu có thể không được phơi sạch sẽ, bị nấm mốc hay chất lượng không đồng đều sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm. Khi chuyển sang nguyên liệu sắn tươi, có thể kiểm soát được chất lượng và cho ra thành phẩm đẹp hơn. Tuy nhiên, cái khó là nguyên liệu sắn tươi có tính thời vụ, thông thường sắn chỉ thu hoạch trong khoảng 1 tháng. Để giải quyết vấn đề này, anh Ảnh liên kết với UBND huyện Quế Sơn đặt hàng người dân trồng sắn, cung cấp nguyên liệu, phân vùng nguyên liệu theo từng thời điểm phù hợp. Ngoài ra, vỏ sắn tươi sẽ được ủ phân vi sinh để cung cấp miễn phí cho người dân làm phân bón.

Ngoài cách chế biến sản phẩm phở sắn truyền thống như trộn với nhân tôm, thịt, cá lóc, anh đang đầu tư cho một sản phẩm độc quyền, đó là “phở sắn giảm cân”. Gói nhân đi kèm có thể là rong biển. Tìm hiểu thị trường, nhu cầu giảm cân rất lớn, tuy nhiên, các sản phẩm giảm cân thường có giá cao và khách hàng băn khoăn về những tác dụng phụ của sản phẩm. Theo anh Ảnh, “phở sắn giảm cân” với các nguyên liệu hỗ trợ giảm cân nhưng an toàn và rất tốt cho sức khỏe. 

Ảnh bật mí, anh lựa chọn “chiến lược vết dầu loang” để phát triển sản phẩm. Theo đó, chọn những điểm nổi tiếng, những nhà hàng lớn, khách sạn lớn, từ đó quảng cáo sản phẩm phở sắn. Hiện tại, phở sắn Caromi đã có mặt tại các nhà hàng lớn 5 sao tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hội An, TPHCM, Bến Tre... Ảnh cho hay, sắp tới, tại Hội An, sẽ hình thành khu trải nghiệm làm phở sắn giúp du khách, người nước ngoài trực tiếp sản xuất sản phẩm. 

Nguồn: thanhgiong.vn

SỔ TAY NGHIỆP VỤ ĐOÀN

Trong tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 01/2019, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên Hướng dẫn Thực hiện Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022, cụ thể như sau:

Căn cứ Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đoàn thông qua ngày 13/12/2017, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như sau:

1. Điều 1 (khoản 2, 3). Về kết nạp đoàn viên

1.1. Điều kiện độ tuổi và trình độ học vấn

a. Tại thời điểm xét kết nạp, người được kết nạp vào Đoàn tuổi từ 16 (từ đủ 15 tuổi + 1 ngày) và không quá 30 tuổi.

b. Thanh niên Việt Nam có lý lịch rõ ràng là người khai đầy đủ, trung thực tất cả các nội dung liên quan đến lịch sử chính trị và các vấn đề lịch sử hiện nay của bản thân theo mẫu sơ yếu lý lịch do Trung ương Đoàn ban hành.

c. Người được kết nạp vào Đoàn tối thiểu có trình độ tiểu học. Đối với thanh niên đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì vận dụng linh hoạt.

1.2. Xét kết nạp đoàn viên trong một số trường hợp

a. Trường hợp thanh niên có nguyện vọng vào Đoàn, hăng hái tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức, có tín nhiệm với thanh niên, nhưng có bố mẹ, anh, chị, em ruột đang bị giam giữ, trước khi xét kết nạp phải xin ý kiến của cấp ủy đảng cùng cấp.

b. Trường hợp thanh niên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức Đoàn, hăng hái tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức ở nơi cư trú, có tín nhiệm với thanh niên và có nguyện vọng vào Đoàn thì chi đoàn nơi cư trú xét, đề nghị, ban chấp hành Đoàn xã, phường, thị trấn ra quyết định chuẩn y kết nạp.

1.3. Thủ tục kết nạp đoàn viên

a. Thanh niên vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tự nguyện viết đơn, báo cáo lý lịch của mình với chi đoàn, chi đoàn cơ sở.

b. Được học Điều lệ Đoàn và trang bị những kiến thức cơ bản về Đoàn trước khi kết nạp.

c. Được một đoàn viên hoặc một đảng viên (với những nơi chưa có tổ chức Đoàn) giới thiệu. Đoàn viên hoặc đảng viên giới thiệu phải là người cùng công tác, lao động hoặc học tập với người được giới thiệu ít nhất 3 tháng liên tục.

- Đối với hội viên Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam do tập thể chi hội giới thiệu.

- Đối với hội viên Hội Sinh viên Việt Nam do ban chấp hành chi hội giới thiệu.

- Đối với đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh do tập thể chi đội giới thiệu.

d. Hội nghị chi đoàn, chi đoàn cơ sở tiến hành xét kết nạp từng người một với sự biểu quyết tán thành của trên một phần hai số đoàn viên có mặt tại hội nghị và được đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định chuẩn y (đối với chi đoàn); đối với chi đoàn cơ sở thì ra nghị quyết kết nạp.

Trường hợp đặc biệt ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn các đơn vị công tác phân tán không có điều kiện họp được toàn thể chi đoàn, nếu được đoàn cấp trên đồng ý thì việc xét kết nạp có thể do ban chấp hành chi đoàn xét và đoàn cấp trên trực tiếp chuẩn y.

đ. Trường hợp thanh niên đang học bậc trung học phổ thông nơi chưa có tổ chức chi đoàn thì việc kết nạp đoàn viên do ban chấp hành đoàn trường thực hiện.

1.4. Quy trình công tác phát triển đoàn viên

a. Bước 1: Chi đoàn, đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền giới thiệu về tổ chức Đoàn cho thanh niên, thông qua các loại hình tổ chức và các phương thức hoạt động của Đoàn, Hội, Đội.

b. Bước 2: Chi đoàn, đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch kết nạp đoàn viên.

- Lập danh sách thanh niên tiên tiến và đội viên trưởng thành.

- Lựa chọn đối tượng theo các tiêu chuẩn kết nạp đoàn viên.

- Phân công đoàn viên giúp đỡ, dự kiến thời gian bồi dưỡng, thời gian tổ chức kết nạp.

c. Bước 3: Chi đoàn, đoàn cơ sở bồi dưỡng giáo dục, rèn luyện thanh, thiếu niên vào Đoàn.

- Mở lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đoàn, lựa chọn những thanh niên có đủ tiêu chuẩn xét kết nạp (nơi có điều kiện có thể cấp giấy chứng nhận đã học qua lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đoàn cho thanh, thiếu niên).

- Ở những nơi không có điều kiện mở lớp tập trung thì có hình phù hợp để thanh niên học tập thức, nghiên cứu sau đó kiểm tra.

d. Bước 4: Tiến hành các thủ tục và tổ chức kết nạp đoàn viên mới.

- Chi đoàn hướng dẫn thanh niên tự khai lý lịch và viết đơn (theo mẫu sổ đoàn viên).

- Hội nghị chi đoàn xét, báo cáo lên ban chấp hành đoàn cấp trên.

- Ban chấp hành đoàn cấp trên ra quyết định chuẩn y kết nạp.

- Chi đoàn tổ chức kết nạp đoàn viên mới, trao Huy hiệu Đoàn, Thẻ đoàn viên.

- Hoàn chỉnh hồ sơ để quản lý đoàn viên, tiếp tục bồi dưỡng tạo điều kiện để đoàn viên mới rèn luyện.

Đối với những nơi không có chi đoàn, ban chấp hành đoàn cơ sở hoặc chi đoàn cơ sở thực hiện quy trình công tác phát triển đoàn viên và quyết định kết nạp đoàn viên.

2. Điều 3.

2.1. Điều 3 (khoản 2). Quyền của đoàn viên trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn.

a. Quyền ứng cử

- Đoàn viên có quyền ứng cử để bầu vào ban chấp hành các cấp của Đoàn, dù đoàn viên đó là đại biểu hay không là đại biểu của đại hội.

- Đoàn viên không phải là đại biểu của đại hội, ứng cử vào ban chấp hành Đoàn từ cấp huyện và tương đương trở lên phải gửi đơn xin ứng cử, sơ yếu lý lịch và nhận xét của ban chấp hành Đoàn cấp cơ sở nơi đoàn viên đang sinh hoạt đến ban chấp hành Đoàn cấp triệu tập đại hội chậm nhất 15 ngày trước khi khai mạc đại hội.

- Trường hợp đoàn viên đang sinh hoạt tại địa phương (đơn vị) này được tín nhiệm giới thiệu để bầu vào cơ quan lãnh đạo của đoàn ở địa phương (đơn vị) khác thì phải chuyển sinh hoạt đoàn về nơi đó trước khi thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự ứng cử (trừ trường hợp được chỉ định).

Ví dụ: Đoàn viên sinh hoạt tại xã A nhưng được tín nhiệm giới thiệu để bầu tham gia cơ quan lãnh đạo đoàn của xã B thì đoàn viên đó phải chuyển sinh hoạt đoàn về xã B trước khi thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự ứng cử.

- Tại đại hội đoàn viên, mọi đoàn viên đều có quyền ứng cử để bầu làm đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên, trường hợp đoàn viên không có mặt tại đại hội có thể ứng cử bằng đơn.

- Đại biểu chính thức của đại hội đại biểu, hội nghị đại biểu có quyền ứng cử để bầu làm đại biểu đi dự đại hội đại biểu hoặc hội nghị đại biểu Đoàn cấp trên.

b. Quyền đề cử

- Tại đại hội đoàn viên, tất cả đoàn viên đều có quyền đề cử đoàn viên để bầu vào ban chấp hành và bầu làm đại biểu đi dự đại hội đại biểu Đoàn cấp trên.

- Tại đại hội đại biểu, các đại biểu chính thức đều có quyền đề cử những đoàn viên là đại biểu và những đoàn viên không là đại biểu để bầu vào ban chấp hành (trường hợp đề cử cán bộ đoàn ngoài tuổi đoàn viên thì phải là đại biểu chính thức của đại hội) hoặc đề cử đại biểu chính thức vào danh sách bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên.

- Trường hợp bầu trực tiếp bí thư tại đại hội thì đại biểu chính thức có quyền:

+ Đề cử ủy viên ban chấp hành để bầu làm bí thư (theo cách bầu thứ nhất tại mục 7.4, Điều 8 của Hướng dẫn này).

+ Đề cử đoàn viên là đại biểu hoặc không là đại biểu để bầu làm bí thư (theo cách bầu thứ hai tại mục 7.4, Điều 8 của Hướng dẫn này).

- Các ủy viên ban chấp hành có quyền đề cử ủy viên ban chấp hành để bầu vào ban thường vụ (những nơi không có ban thường vụ thì đề cử để bầu bí thư, phó bí thư), đề cử ủy viên ban thường vụ để bầu làm bí thư, phó bí thư.

- Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội có trách nhiệm báo cáo với đại hội về công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành khóa mới, được quyền giới thiệu danh sách để bầu vào ban chấp hành đoàn khóa mới và đoàn đại biểu dự đại hội đại biểu Đoàn cấp trên.

- Khi đề cử người vào danh sách bầu cử, người đề cử phải cung cấp trích ngang lý lịch của người được đề cử cho đại hội, hội nghị.

- Việc cho rút tên hay không cho rút tên khỏi danh sách bầu cử do Đại hội (hội nghị) quyết định bằng hình thức biểu quyết (giơ tay hoặc phiếu biểu quyết).

c. Quyền bầu cử

Đại biểu chính thức đủ tư cách có quyền bầu cử trong đại hội, hội nghị.

2.2. Điều 3 (khoản 3). Tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú.

a. Đoàn viên có quyền tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú và báo cáo với chi đoàn nơi đang học tập, lao động, công tác.

b. Chi đoàn, đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện để đoàn viên tham gia hoạt động đoàn tại nơi cư trú. Chi đoàn nơi cư trú có trách nhiệm nhận xét về việc tham gia hoạt động nơi cư trú của đoàn viên khi đoàn viên có yêu cầu. Nhận xét phải có xác nhận của Đoàn cơ sở.

c. Khi tham gia hoạt động đoàn tại nơi cư trú, đoàn viên được tham dự và đóng góp ý kiến tại các buổi sinh hoạt định kỳ của chi đoàn (nếu được ban chấp hành chi đoàn mời dự) nhưng không được tham gia biểu quyết các vấn đề của chi đoàn. Trường hợp cần thiết về công tác cán bộ, nếu có tín nhiệm để bầu vào cơ quan lãnh đạo thì phải chuyển hồ sơ đoàn viên về nơi cư trú trước khi thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự ứng cử. Đoàn viên hoạt động đoàn tại nơi cư trú ứng cử (hoặc được giới thiệu ứng cử) vào ban chấp hành đoàn xã, phường, thị trấn phải được sự đồng ý của cấp ủy đảng xã, phường, thị trấn, đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp đoàn viên là đảng viên phải được sự đồng ý của chi bộ nơi học tập, lao động, công tác.

 

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT MỚI

 

Chính thức tăng lương tối thiểu vùng

 

Chính phủ đã ban hành Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo Nghị định này, từ thời điểm 01/01/2019, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau:

- Vùng I: 4,18 triệu đồng/tháng;

- Vùng II: 3,71 triệu đồng/tháng;

- Vùng III: 3,25 triệu đồng/tháng;

- Vùng IV: 2,92 triệu đồng/tháng.

So với năm 2018, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 160.000 đồng/tháng - 200.000 đồng/tháng.

Nguồn: Luật Việt Nam

Ban Tuyên giáo 

Thông tin mới nhất
VIDEO
  • TRAILER ĐẠI HỘI CHÁU NGOAN BÁC HỒ 2024
  • Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp: Đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức
  • Phim tài liệu: Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai - Dấu ấn một nhiệm kì
  • Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp: Phát huy truyền thống, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0